Móng tay là một bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người, cấu trúc của phần giải phẫu này khá phức tạp. Cùng tìm hiểu về cấu tạo của móng và những thông tin có thể bạn chưa biết về móng để có cách chăm sóc và bảo vệ móng tốt hơn
Móng là gì?
Móng là một dạng biến đổi của da, được cấu tạo bởi một lớp keratin cứng chắc phát triển từ biểu bì phần mặt lưng của các ngón tay và ngón chân.
Móng có chức năng bảo vệ, giúp mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi khỏi bị tổn thương, đồng thời chúng còn có tác dụng tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, chân. Bên cạnh đó, nó còn là một thứ vũ khí để tự vệ, tấn công, đồng thời móng cũng phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể.
Cấu tạo của móng tay
Xét về cấu trúc móng tay người thường bao gồm 3 lớp:
- Đĩa móng/ Bản móng: là phần ngoài, có thể nhìn thấy được của móng. Được cấu tạo bởi lớp sừng keratin và phát triển suốt đời. Đĩa móng có màu hồng do nằm trên giường móng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng.
- Giường móng: là phần mô mềm nằm bên dưới đĩa móng, có chứa nhiều mạch máu nhỏ giúp cho móng có màu hồng.
- Mầm móng: được coi là phần “rễ”, tập trung các mạch máu, chịu trách nhiệm nâng đỡ và phát triển móng

Chức năng của móng
- Giúp con người hoạt động: Tương tự như móng vuốt ở động vật, móng tay hỗ trợ con người trong các hoạt động đào bới, leo trèo, cào, lấy đồ vật, gãi khi ngứa…
- Bảo vệ chống lại chấn thương: Móng tay chân giữ vai trò như tấm bảo vệ giúp ngăn chặn tổn thương đến mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi.
- Tăng cường cảm giác: Ở đầu các ngón tay và ngón chân có chứa các đầu dây thần kinh giúp truyền thông tin lên não bộ mỗi khi chạm vào vật gì đó. Khi đó móng hoạt động như một lực đối kháng, giúp làm tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, ngón chân.
- Giữ ẩm và ngăn vi khuẩn: Lớp biểu bì của móng giúp lưu giữ độ ẩm và bảo vệ sự xâm nhập của các vi khuẩn ngoài môi trường vào cơ thể.
- Tăng thêm vẻ đẹp cho ngón tay ngón chân
- Là vũ khí tự vệ: đi cùng với các hoạt động tấn công, cào cấu, xé khi cần thiết.
- Cảnh báo các dấu hiệu bệnh tật của cơ thể khi cấu trúc của móng thay đổi.

Móng tay mọc như thế nào?
Móng tay dài trung bình 3,5 mm mỗi tháng
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, móng tay có xu hướng phát triển nhanh hơn, dài trung bình 3,5 mm mỗi tháng trong khi ở móng chân là 1,6 mm.
Móng mọc nhanh ở:
- Phụ nữ có thai, nam giới và người trẻ tuổi, người bị bệnh cường tuyến giáp.
- Bàn tay thuận, các ngón tay gõ phím máy tính, máy chữ, đàn dương cầm…đều kích thích móng mọc nhanh hơn do hoạt động thường xuyên, máu huyết dồn xuống nhiều giúp nuôi dưỡng móng.
- Móng ở ngón giữa (ngón tay dài) thường phát triển nhanh nhất, còn móng ở ngón út thì phát triển chậm nhất.
- Móng tay mọc nhanh hơn móng chân tới 2 hoặc 3 lần. Mỗi ngày móng tay dài ra khoảng 0,1mm tức là từ 3 đến 5 mm mỗi tháng, trong khi móng chân chỉ phát triển khoảng 1,6 mm/tháng. Tuy nhiên móng chân lại mạnh hơn và dày gấp hai lần móng tay.
- Vào mùa hè, móng sẽ mọc nhanh hơn so với mùa đông, vì mùa hè tay chân cử động nhiều giúp lưu thông máu. Tương tự, ban ngày móng cũng mọc nhanh hơn ban đêm.
Móng mọc chậm ở:
- Người cao tuổi
- Người mắc bệnh suy dinh dưỡng, nóng sốt, các bệnh trầm trọng trì hoãn sự tăng trưởng của móng.
- Trái với điều mà một số người tin tưởng, khi chết móng không còn sinh trưởng nữa. Thực ra lớp da ở chân móng co lại nên móng bề ngoài sẽ có vẻ hơi dài ra.
Có thể bạn quan tâm:
Những điều có thể bạn chưa biết về móng
Tóc và móng được cấu tạo từ các thành phần tương đương nhau
Đều được tạo thành từ keratin – một loại protein và chất sừng. Chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ vitamin, các chất chống oxy hóa, protein và khoáng chất sẽ giúp tóc và móng chắc khỏe.
Móng tay của đàn ông phát triển nhanh hơn của phụ nữ
Tuy nhiên, theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, điều này có thể là ngược lại đối với trường hợp phụ nữ đang mang thai.
Thói quen cắn móng tay cho biết sự lo lắng, hồi hộp
Cắn móng tay làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, các tổn thương ở móng và thói quen này được các chuyên gia xem xét như một biểu hiện rối loạn tinh thần. Thêm vào đó, vi khuẩn từ móng tay sẽ xâm nhập vào miệng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Móng thể hiện đầy đủ sức khỏe cơ thể
Sức khỏe tổng thể của cơ thể bạn có thể được theo dõi thông qua sức khỏe của móng. Việc thiếu chất dinh dưỡng làm thay đổi màu móng tay, còn những lõm nhỏ trên móng có thể là dấu hiệu của bệnh vảy nến, bất kì các dấu hiệu lạ nào xuất hiện trên móng tay là cảnh báo bạn cần gặp bác sĩ da liễu.
Tác hại từ việc sơn móng tay quá nhiều
Giống như một mô sống, móng tay cũng cần sự thông thoáng trên bề mặt để các dưỡng khí được trao đổi. Sơn móng tay có thể làm gia tăng bệnh nhiễm trùng như virus, mụn cóc hoặc nấm móng tay. Móng tay sẽ bị khô, nhợt nhạt nếu bạn lạm dụng hóa chất sơn quá nhiều.

Các vấn đề của da có liên quan đến móng
Gần một nửa các rối loạn trên móng tay là do nhiễm nấm (xuất hiện thường xuyên hơn ở móng chân). Người cao tuổi có xu hướng gặp các vấn đề trên da và móng nhiều hơn người trẻ tuổi.
Căng thẳng có thể ức chế sự phát triển của móng tay
Căng thẳng, mệt mỏi, stress là nguyên nhân cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng và chất dinh dưỡng của cơ thể giúp da, móng và tóc khỏe mạnh.
Tác dụng từ lớp biểu bì của móng
Lớp biểu bì của móng giúp bạn lưu giữ độ ẩm và bảo vệ sự xâm nhập của các vi khuẩn ngoài môi trường vào cơ thể.
Độ cứng của móng tay là theo di truyền
Hình dạng móng và cách thức phát triển của chúng có thể theo di truyền tuy nhiên có nhiều tác động khiến móng bị khô và trở nên yếu ớt như lau dọn nhà cửa, tiếp xúc tay trực tiếp với các hóa chất, sơn sửa móng thường xuyên và lạm dụng xà phòng, nước rửa tay nhiều lần/ngày.
Móng tay cần được nuôi dưỡng
Móng tay có thể tự phục hồi sau các chấn thương vì chúng được cung cấp lưu lượng máu, oxy và chất dinh dưỡng ổn định để phát triển, phục hồi tế bào tổn thương. Tuy nhiên chấn thương xảy ra ở dưới lớp biểu bì sừng có thể trở thành sẹo và làm thay đổi hình dạng móng.

Phương thức chăm sóc, bảo vệ móng
Các bệnh về móng có thể phục hồi sau khi điều trị nhưng ít nhiều ảnh hưởng tới tốc độ móng mọc lại. Do vậy việc bảo vệ, chăm sóc móng từ trước là điều cần chú ý. Việc chăm sóc dưỡng móng cũng cần cẩn trọng vì nếu thực hiện không đúng có thể gây tổn thương tới móng.
Dưới đây là một số phương thức để bảo vệ móng tốt hơn:
- Không nên dùng móng như một dụng cụ để mở nắp hộp, nắp đồ uống, tránh tổn thương.
- Móng nếu để quá dài thường có khuynh hướng dễ gãy, vỡ nên tránh để móng mọc quá dài.
- Bỏ các thói quen xấu như tật cắn móng tay, vì vi khuẩn từ móng tay sẽ xâm nhập vào miệng và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Thường xuyên cắt móng định kỳ ( móng tay mỗi tuần/lần, móng chân mỗi tháng/lần) để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ bên dưới móng, tránh tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Đối với móng quá cứng và giòn, khi cắt nên chú ý ngâm móng trong nước trước để làm mềm. Dùng kìm cắt móc hoặc kéo để cắt rồi giũa cạnh nhẵn để giảm thiểu tổn thương cho móng.
- Khi đi tiệm chăm sóc móng, nên lưu ý nhân viên dùng dụng cụ sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật cắt giũa cẩn thận để tránh tổn thương và nhiễm trùng cho móng. Nếu có thể hãy mua kềm cắt móng riêng để sử dụng.
- Hạn chế dùng các chất tẩy móng có chứa acétone quá thường xuyên vì hóa chất này góp phần làm móng khô giòn, yếu, dễ gãy.
- Khi làm việc tránh để móng tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, xà phòng, dung dịch hòa tan, dầu nhớt vì các chất này dễ làm thay đổi hình dạng, cấu trúc và màu sắc của móng. Tốt nhất nên mang găng tay cao su để bảo vệ móng khi phải làm việc với các chất này.
- Trong ăn uống hàng ngày, nên lưu ý bổ sung vitamin C, vitamin D, pyridoxine, sắt, canxi amino acid, gelatin và biotin….để nuôi dưỡng móng khỏe và đẹp.

Kết luận
Với những chia sẻ trên, hy vọng đã cung cấp tới bạn đọc những kiến thức hữu ích về cấu tạo của móng tay. Mong rằng sẽ giúp bạn tìm được cách chăm sóc móng an toàn. Nếu gặp vấn đề liên quan đến móng, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng tình trạng và chăm sóc bộ móng tốt nhất.
Bạn đọc cần được giải đáp thêm về vấn đề sức khỏe hoặc muốn được tư vấn miễn phí thì vui lòng liên hệ:
- Địa chỉ: Số 30 Tăng Bạt Hổ, Phường 12, Quận 5, HCM (đặt lịch trước khi đến bạn nhé!)
- Điện thoại: 0763 237 138
- Zalo: 0763 237 138